Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Rồng Việt phuong Nam

HƯỚNG TỚI NGHÌN NĂM THĂNG LONG –HÀ NỘI
 
XÁ LỢI PHẬT VÀ CHUYỆN RỒNG VIỆT PHƯƠNG NAM
 
ĐĂNG LAN
 
 
            Trong khi cả nước ta cung nghinh Xá lợi Phật về tôn trí tại chùa Bái Đính –Ninh Bình, và đang ráo riết kỷ niệm 1000 năm Thăng Long –Hà Nội, thì tại căn nhà số C9/4A đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra một hiện tượng “quang học” lạ ứng với tinh thần của hai sự kiện mang tính lịch sử trọng đại này: Anh Trần Kim Bảng – kỹ sư lập trình phần mềm, vừa mua một ống kính, liền lên sân thượng nhà mình, thử máy. Kết quả là, đám mây lờ lững mà anh vô tình chụp, có hình dáng một con Rồng uy nghi với trái châu vàng rực rỡ (ảnh). Lúc đó vào 17 giờ chiều ngày 7 tháng 8 năm 2009. Quả là linh diệu!
Đất phước trang nghiêm mở cửa thiền,
Điềm lành chung đúc cõi trần riêng (1).
 
            Như chúng ta đã biết, một trong những yếu lý cốt lõi của Phật giáo là lý duyên khởi, mọi việc trên đời là do nhân duyên mà ra. Một sự tưởng chừng như ngẫu nhiên, nghĩa là xảy ra không theo một tiến trình logic nào, thì theo người phương Đông, ở chỗ thâm sâu vẫn có một duyên cơ ẩn mật mà ta không hiểu được. Như chuyện phát hiện hiện tượng quang học rồng mây của kỹ sư Trần Kim Bảng chẳng hạn, càng lộ ra ý nghĩa dưới ánh sáng nhiệm màu của hai chữ cơ duyên.
            Để tìm hiểu căn cơ này, xin mời bạn hãy cùng tôi lật lại trang sử cũ:
Chuyện xưa còn nhớ rồng lên mây
                                            Vua Lý dời đô về chốn đây
                                            Long tàng hổ phục thế đất vượng
          Con chim phượng hoàng xòe cánh bay (2).
Chuyện từ năm 1010, nghĩa là cách chừng vài tháng sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã bắt đầu thực hiện việc dời đô. Sách Đại Việt sử lược (quyển 2) chép rằng:”Lúc đầu, Nhà Vua thấy thành Hoa Lư chật hẹp và ẩm thấp, bèn dời đô đến Đại La Thành. Khi khởi sự, Nhà Vua vừa đến dưới chân thành thì ở phía trước thuyền ngự bỗng có rồng hiện ra”.
                               Sức lên như biển
                               Rạt rào uyển chuyển
                              Ơi, cái sức thơ
                                          Tiên rồng u hiển (3).
Nhân đó Nhà Vua mới đổi  (Đại La Thành) là Thăng Long.
            Như vậy, sau thời Thục Phán (An Dương Vương), năm 1010, đất Hà Nội lại một lần nữa được chọn làm kinh đô của nước nhà. Lần này, kinh đô không phải là thành Cổ Loa nhưng cũng cách thành Cổ Loa không bao xa, nhiều người tưởng Thăng Long Thành là do Đại La Thành đổi tên mà có. Thực ra thì Thăng Long Thành có quy mô khác hẳn. Nếu Đại La Thành chỉ có chu vi chừng 5km, thì  Thăng Long Thành lại có chu vi  đến 25km. Thăng Long Thành liên tục là kinh đô của nước ta trong nhiều thế kỷ; được các triều đại  nhà  Lý, Trần, Lê nối nhau trùng tu và tôn tạo.
Tìm hiểu lịch sử Việt Nam không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của Phật giáo trong việc xây dựng các triều đại phong kiến tự chủ đầu tiên: Ngô, Đinh, Tiền Lê. Nhưng phải đợi đến thời điểm Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô về Thăng Long thì Phật giáo mới bắt đầu hưng thịnh.
Nhân chuyện có rồng xuất hiện trước và sau 1000 năm tại hai miền Bắc, Nam, cũng xin được đề cập đến sự kiện  nước ta cung  đón Xá lợi Phật cũng với chu trình như vậy:
Vào tháng 6 năm 2010, sau khi Xá lợi Phật được rước từ TP. Hồ Chí Minh về tôn trí tại điện Pháp Vương ở chùa Bái Đính – Ninh Bình, thì một vị hòa thượng tại đây đã cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên, mà từ cả  nghìn năm trước, Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) đã từng đón Xá lợi Phật rồi. Việc cung nghinh và chiêm bái Xá lợi Phật thời ấy bắt nguồn từ phước duyên của hai vị vua mở đầu triều Lý…
Vị thứ nhất là Lý Công  Uẩn (Lý Thái Tổ), nằm mộng thấy rồng cuộn bay lên (thăng long). Rồng – theo lời vị Hòa thượng, là sự thị hiện của một trong tám vị thiên long bát bộ (Thiên, Long, Dạ xoa, A tu la, Ca lâu la, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già) vốn đã phát nguyện luôn hộ trì Phật pháp theo cách hành của các ngài. Riêng Long (tức Rồng), phát nguyện rằng: Nếu Xá lợi Phật phát quang nơi nào, Ngài sẽ uống ánh sáng  của nơi đó để soi đường về hạnh phúc cho các sinh linh lạc đường…
Tình thương rưới khắp sinh linh khổ
                                     Trí tuệ sâu xa chiếu mọi miền (4).
Vậy khi rồng xuất hiện trong mộng của vua Lý Thái Tổ chính là báo trước Phật giáo và đất nước hưng thịnh thời nhà Lý.
Tám gió phất phơ thổi
Trần gian đẹp xiết bao
Môt áng mây rồng nổi
  Hồn hậu cõi tiêu dao (5)
Với bản tâm thanh tịnh và nhiều công đức hoằng pháp, Lý Thái Tổ đã khiến bát phong trở thành làn gió mát hòa tưới khắp cõi người ta. Đây chính là cơ hội cho các nhà tư tưởng Phật giáo chủ động tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Bởi họ chính là thành phần trí thức ưu tú nhất của thời bấy giờ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với  triều đình và dân chúng.
Năm 1028, trước khi mất, Lý Thái Tổ đã không quên di ngôn răn dạy Tôn Thất phải đời đời quy y tam bảo, thực hành chánh pháp và tôn thờ Xá lợi Phật.
Vì:
Đạo mà không đời
Đạo lấy gì để đạo
Đời mà không đạo
           Đời nghìn bước bơ vơ (6)
Vị thứ hai, là thái tử Phật Mã, lên nối ngôi (tức Lý Thái Tôn), đã tiếp tục công cuộc hoằng pháp do vua cha để lại: Sắc lập và xây dựng thêm nhiều chùa chiền – đặc biệt là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, tại Hà Nội ngày nay), tu sửa tôn tượng, thỉnh kinh và cờ phướn để thờ… Chính những Phật sự ấy đã tạo phước duyên lớn đưa đến sự kiện Xá lợi Phật dưới nền chùa Pháp Vân- Bắc Ninh phát sáng hào quang. Người ta theo luồng ánh sang ấy đào xuống, phát hiện và lấy lên một cái hòm, qua bốn lớp kim loại quý đã lộ ra bình lưu ly đựng Xá lợi Phật.
Biết chuyện,vua Lý Thái Tôn lệnh cho rước Xá lợi Phật vào Thăng Long Thành chiêm ngưỡng và lễ bái. Sau đó, Ngài sai tôn trí về lại chỗ cũ (chùa Pháp Vân – Bắc Ninh) để tiếp tục thờ phượng. Niên đại ấy đã xác nhận  sự có mặt của ngọc Phật cách đây ngót 1000 năm (1034-2010).
Xâu chuỗi lại các sự kiện, chúng ta nhận thấy sau trước cả nghìn năm, Long (tức Rồng) luôn đúng theo lời nguyện thị hiện để hộ pháp (cụ thể là Xá lợi Phật), tạo phước duyên lành để phát phúc lâu dài cho nước Việt Nam.
Và cũng từ đó, chúng ta bắt đầu nhận ra, mình đang tiếp xúc với một thế giới bao la đầy bí ẩn chưa được khám phá. Đó chính là thế giới nội tại ngay trong cuộc đời giới hạn này. Nói gọn, chúng ta đang khám phá điều kỳ diệu của cuộc sống, điều mà tất cả những chất xám hay mọi nỗ lực của lý trí con người đều không đem lại kết quả. Nó chỉ được giải mã với cái tâm không và khi ai đó đã có đủ cơ duyên để liễu ngộ:
Long mạch trong vũ trụ
       Chuyển hướng ngụ. Này xem
                                               Hoa vẫn tươi nghìn nụ
         Phương Nam tròn búp Em (7)
Điều này còn có nghĩa, sự hưng thịnh của đạo Phật luôn gắn liền với dân tộc.
Cái đẹp nghìn năm , từ một thuở
Chàng Cá, nàng Hưu Sao gặp gỡ
   Mối duyên thần thoại giữa rồng tiên
    Cánh Lạc bồng bềnh cõi ảo nhiên (8)
Và gắn với… đạo hiếu:
Non sông như ngọc, mây như gấm
                                       Cô gái Tây Hồ như đóa hoa
                                       Ngón tay nụ bưởi xòe nắng ấm
Bưng đĩa trầu têm dâng mẹ cha (9)
Và còn gì nữa, với tâm thành, có lẽ, khi ta nghĩ đến điều gì thì điều đó sẽ có mặt.
 
Mạnh hạ, 2010
ĐĂNG LAN
 
 
Ghi chú:

(1), (4)- Thơ  Thiệu Trị Hoàng đế
(2),(3),(5),(6),(7),(8),(9) – Thơ Trụ Vũ.
 
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
·       Trông lại ngàn xưa – Nguyễn Khắc Thuần
·       Xá lợi Phật…          - Giao Hưởng
 
 


< Sửa đổi bởi: Admin -- 21/7/2010 8:34:39 >